Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cùng sự xuất hiện của những đại đô thị hiện đại là những lực đẩy giúp thị trường bất động sản (BĐS) phía tây Hà Nội bứt phá, trở thành cực tăng trưởng lớn nhất thủ đô.
Ngòi nổ kích hoạt từ hạ tầng
Hạ tầng giao thông vẫn được ví như “ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển của một khu vực. Bất động sản khu Tây Hà Nội cũng không phải ngoại lệ. Trong 10 năm quy hoạch và phát triển, hệ thống giao thông khu Tây đã hoàn thiện, dễ dàng kết nối cả 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc của thành phố Hà Nội. Nhận xét về tốc độ phát triển khu Tây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam khẳng định đây là khu vực đang đứng bậc nhất Hà Nội về hạ tầng lẫn phát triển kinh tế xã hội.
Khu Tây được quy hoạch là trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội khi tập trung hàng loạt cơ quan đầu ngành. Cụ thể, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Triển lãm Quốc gia, trụ sở Bộ Ngoại giao đã được xây dựng và hoạt động trong suốt 10 năm qua. Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2023, khu vực Mễ Trì với diện tích khoảng 55ha sẽ là trụ sở làm việc của 23 cơ quan. Đây sẽ là những công trình cao 17-25 tầng, công trình công cộng dịch vụ cao 3-5 tầng.
Ngoài hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông tại khu Tây cũng phát triển mạnh mẽ. Các tuyến giao thông lớn đã hình thành kết nối khu vực Tây Hà Nội với trung tâm Thành phố như: Đại Lộ Thăng Long, Đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương…Hiện nay, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ để xây dựng vành đai 3,5, vành đai 4. Đây là những tuyến huyết mạch kết nối quan trọng tạo thành một vùng phát triển trải dài từ khu Đông qua khu Tây và sang khu Đông.
Chưa dừng ở đó, hàng loạt tuyến hạ tầng quan trọng cũng đang được thúc đẩy đầu tư xây dựng. Đó là trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn dài 25km từ điểm đầu từ ngã ba đường Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng, điểm cuối là ngã ba Quốc lộ 32 – đường Văn Tiến Dũng đang được đẩy nhanh xây dựng. Mới đây, Hà Nội cũng đã thông qua chủ trương triển tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 38,43km, hoàn thành vào năm 2025.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, khi các tuyến đường trục kết nối huyết mạch này chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 2025-2030 sẽ tạo diện mạo hoàn toàn mới, kết nối khu công nghệ cao Hòa lạc, toàn bộ trục phía Tây với khu vực trung tâm Hà Nội, toàn bộ khu phía Tây với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng…tạo động lực phát triển thị toàn bộ thị trường bất động sản khu vực phía Tây trải dài trên các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai…
Hình thành khu nhà giàu trong tương lai
Quan sát thực tế cho thấy, sự phát triển vượt bậc của hạ tầng khu vực phía tây đã tạo nên cực tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường bất động sản khu vực này so với 3 cực Nam, Đông, Bắc còn lại.
Cách đây gần 10 năm những đại dự án quy mô lớn đã hình thành dọc trục trung tâm đường Láng – Hòa Lạc, quốc lộ 32. Có thể kể đến như Khu đô thị Nam An Khánh, Geleximco, Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị Splendora, Kim Chung Di Trạch, Khu đô thị Lideco… Hạ tầng đồng bộ đã kéo một lượng dân cư lớn đổ về khu vực này sinh sống, tạo nên một diện mạo đô thị mới sầm uất, một siêu “làng biệt thự” trải dài trên cả nghìn ha.
Thị trường khu vực phía Tây cũng đón sự góp mặt của những khu đô thị mới được xây dựng . Cụ thể như Vinhomes Smart City quy mô hơn 280ha đã được xây dựng hạ tầng hoàn thiện đón hàng chục nghìn cư dân về ở, giai đoạn 2 của dự án Splendora với diện tích lên đến 100 ha cũng đang được Phú Long rục rịch khởi công cuối năm nay. Đặc biệt, Khu đô thị Dương Nội ngày càng thêm tấp nập khi Siêu thị Aeon Mall lớn nhất miền Bắc đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, sự phát triển của hạ tầng khu Tây như “vũ bão” đã cho thấy sức hút và tiềm năng đột phá của bất động sản khu vực này. Trong tương lai khi vành đai 3,5 hoàn thiện, vành đai 4 được xây dựng đây sẽ là khu vực đẹp nhất của Hà Nội khi tụ hổi đủ 3 yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.
Chị Phạm Việt Hà, Giám đốc sàn phân phối bất động sản cao cấp tại Hà Nội nhận định ba năm trở lại đây đang có một sự dịch chuyển ấn tượng trên thị trường bất động sản thấp tầng khu Tây. Giá nền biệt thự, liền kề khu vực phía Tây còn khá thấp so với khu Đông trong nhưng ngược lại hạ tầng thuận tiện, vị trí ngay gần trung tâm mới Mỹ Đình nên đã gia tăng làn sóng người giàu đổ về mua biệt thự, sửa sang và chuyển về sinh sống.
“Thời gian vừa qua, lượng người giàu đổ về mua thấp tầng phía Tây rất lớn. Lượng người về sửa sang ở ngày càng nhiều. Nếu trước đây dọc đường Lê Trọng Tấn chỉ lác đác những căn biệt thự có người ở thì nay đã tấp nập, sôi động hàng quán không khác gì trên phố. Đặc biệt, thị trường chuyển nhượng thứ cấp rất sôi động. Nguồn cung khan hiếm đã đẩy hàng thứ cấp tăng mạnh trong suốt giai đoạn 2020-2023”, chị Hà nhận định.
Có thể thấy, khu Tây Hà Nội từng là tâm điểm về phát triển của Hà Nội những năm 2010 thì sau 10 năm khu vực này đang lấy lại vị thế “người dẫn đầu”. Quỹ đất rộng cộng với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội phát triển vượt bậc đang hút lượng lớn trí thức, nhà giàu về khu vực này sinh sống. Bộ mặt khu Tây Hà Nội đang đổi thay hàng ngày cùng với sự chuyển dịch cơ cấu dân số. Đây cũng là lực đẩy cho thị trường bất động sản nhà ở khu Tây phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới.
Theo: cafef.vn