Cùng với trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam của Lotte, trung tâm R&D tại Đông Nam Á của Samsung, đại công viên Ciputra sẽ là “cú hích” tiếp theo thúc đẩy thị trường BĐS Tây Hồ Tây thiết lập mặt bằng giá mới, hàng loạt các dự án trong khu vực được hưởng lợi.
Lực kéo triệu đô
Nổi tiếng với định vị là nơi sinh sống của “nhà giàu Hà Nội”, khu đô thị Ciputra không chỉ sở hữu quỹ đất rộng lớn (hơn 300 ha), hạ tầng hiện đại, khớp nối tiện ích nội- ngoại khu, mật độ cây xanh lớn, mật độ dân cư đạt chuẩn quốc tế mà còn là khu đô thị tiêu biểu nằm trong nội đô sở hữu một công viên rộng tới 23ha.
Theo quy hoạch, đại công viên này có diện tích thảm cỏ, cây xanh, mặt nước…lên tới 0,77 km2 cùng hàng loạt các hạng mục khu vui chơi, sân gôn và quảng trường trung tâm. Công viên này chính là mảnh ghép xanh hoàn thiện tiện ích và không gian sống đẳng cấp cho khu vực Tây Hồ Tây nói chung, khu đô thị Ciputra nói riêng.
Sau nhiều năm im ắng, dự án công viên Ciputra đang rục rịch được triển khai với động thái đầu tiên là Quận Tây Hồ đã tiến hành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu vực được quy hoạch là lõi công viên. Trước đó, sân Golf Ciputra nằm trong quần thể trung tâm thể thao và giải trí Ciputra Club đã vận hành và trở thành điểm đến vui chơi, tập luyện thể thao lý tưởng giữa lòng thủ đô của dân yêu thích bộ môn Golf. Sân tập golf Ciputra nằm trong quần thể trung tâm thể thao và giải trí Ciputra Club, rộng tới 11.000m2. Sự kết hợp giữa không gian thể thao hiện đại và cảnh quan tự nhiên đẹp mắt sân Golf được ví như bản hòa ca hoàn hảo giữa lòng thủ đô.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, khi dự án công viên này hoàn thiện toàn bộ, khu vực Tây Hồ Tây sẽ trở thành khu vực tập trung nhiều công viên bậc nhất Hà Nội với liên hoàn 9 khu công viên lớn bao quanh từ công viên Bách Thảo tới các công viên liên kế như Hòa Bình, Lạc Long Quân, Yên Phụ…
Cùng với hai “lực kéo” là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn hàng đầu Đông Nam Á của Tập đoàn Samsung chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2022 và Lotte Mall Tây Hồ đi vào hoạt động từ tháng 9/2023, công viên Ciputra sẽ tạo thế “chân kiềng” vững chãi, thay đổi diện mạo hạ tầng khu Tây Hồ và thúc đẩy tiềm năng tăng giá bất động sản trong khu vực.
Các dự án được hưởng lợi tăng dần sức nóng
Đại cộng viên Ciputra sẽ là lực đẩy cho toàn thị trường nhưng trước hết, đầu tiên, những dự án gần công viên này nhất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Hiện bên trong giai đoạn 1 khu đô thị Ciputra là quần thể các bất động sản cao cấp như The Link Ciputra, Sunshine City, Grand Gardenville, The Melody Ciputra, Heritage West Lake… Trong đó, đáng chú ý ở phân khúc biệt thự là The Melody Ciputra với vị trí đắc địa đối diện trung tâm thương mại Lotte quận Tây Hồ. Phân khúc chung cư có nguồn cung dự báo chuẩn bị đủ điều kiện ra mắt thị trường, đáng chú ý là Sunshine City và các toà chung cư của Tập đoàn Kita Group.
Thông tin đại công viên Ciputra khởi động trở lại đã có tác động tích cực tới thị trường. Ghi nhận của các đơn vị môi giới bán hàng cho thấy, lượng người mua nhà quan tâm tới các dự án trong khu vực này đã tăng vọt, các thông tin về thời điểm các dự án có thể ra mắt sản phẩm mới liên tục được kiếm tìm hàng đầu. Các sản phẩm nhà ở mua đi, bán lại trong khu vực cũng tăng sức nóng, thanh khoản cũng như mức giá đều đi lên.
Thực tế, từ năm 2023 tới nay, thị trường BĐS Tây Hồ luôn là điểm sáng, dẫn dắt thị trường hồi phục với mức tăng giá đáng kể ở tất cả các phân khúc cũng như tính thanh khoản. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ riêng phân khúc chung cư năm 2023, mức tăng cao bậc nhất thuộc về các dự án khu Tây Hồ Tây (trung bình khoảng 80 triệu đến 120 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều căn được rao bán gần 220 triệu đồng/m2). Biệt thự cao cấp ở khu vực này cũng tăng giá đáng kể, neo ở mức 300-400 triệu đồng/m2, thậm chí đã xuất hiện mức giá 500-600 triệu đồng/ m2 ở những căn có vị trí đẹp và tiện ích liền kề sân golf hay các khu vực lợi thế về cảnh quan.
Theo giới chuyên gia BĐS giá BĐS neo cao ở các khu vực được hưởng lợi từ hạ tầng là tất yếu bởi cầu luôn cao hơn cung. Bên cạnh đó, toàn thị trường BĐS Hà Nội từ mấy năm nay luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung, giá nhà đất khu vực nội đô liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy nguồn cung nhà ở giai đoạn 2023 – 2025 tại Hà Nội là 86.700 căn, trong khi nhu cầu nhà ở lên tới 157.000 căn. Nguồn cung mới sụt giảm lớn, trong đó nguồn cung mới căn hộ đạt mức thấp trong 5 năm trở lại đây. Trong số tất cả các quận nội thành, chỉ còn tại quận Tây Hồ còn quỹ đất để cung cấp ra thị trường các sản phẩm bất động sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu không gian sống ngày càng cao cấp của phân khúc khách hàng trung lưu tới thượng lưu.
Hạ tầng đóng góp vai trò quan trọng trong sự phục hồi của thị trường bất động sản, do đó, đây vẫn đang là thời điểm thích hợp để người mua nhà có thể sở hữu sản phẩm bất động sản chất lượng cao trong khu vực giàu tiềm năng tăng giá như quận Tây Hồ, khi hạ tầng liên tục được hoàn thiện và khớp nối.