Được mệnh danh là nơi địa linh nhân kiệt, Hồ Tây từ lâu đã nổi danh là một trong những mảnh đất đáng sống bậc nhất Thủ đô.
Quay về xa xưa, một Hồ Tây nghìn năm lịch sử
Đã từ lâu, dân gian vẫn truyền tụng nhau câu nói: “Địa vô Tây hồ, Thăng Long bất thành đô”, nghĩa là đất không có Hồ Tây thì Thăng Long không thành kinh đô. Như vậy để thấy Hồ Tây từ xưa đã mang địa thế quan trọng nơi mảnh đất kinh kỳ.
Nhìn về quá khứ, với vị trị đắc địa hội tụ cùng vẻ đẹp thơ mộng xao xuyến lòng người, Hồ Tây đã lọt vào “mắt xanh” của các triều đại phong kiến trở thành tâm điểm nghỉ mát, vui chơi giải trí. Đây là nơi được các bậc đế vương, thi nhân, tài tử, giai nhân dập dìu đến để vui chơi, thưởng ngoạn, bơi thuyền, uống rượu, ngắm hoa, ngắm trăng, coi như một chốn du ngoạn với phong cảnh nên thơ, hữu tình.
Ở Thăng Long còn nhiều hồ khác nhưng không có nơi nào đặc biệt như Hồ Tây, lại có nhiều di tích danh thắng ở xung quanh. Trong “Thăng Long tứ trấn” thì có 2 công trình đặc biệt đều nằm ở Hồ Tây, đó là đền Quán Thánh còn có tên là Trấn Vũ quán ở khu vực phía Bắc và đền Thủ Lệ, còn gọi là đền Voi Phục ở phía Tây Hồ Tây.
Từ thời Lý, Hồ Tây đã quy hoạch tổng thể với quy mô lớn và độc đáo bằng việc hình thành 13 làng nghề chuyên canh như: hoa cây cảnh ở Nghi Tàm, Ngọc Hà; quất ở Tứ Liên, Quảng Bá; đào ở Nhật Tân, Phú Thượng; cá cảnh ở Yên Phụ; trồng dâu, nuôi tằm ở Nghi Tàm; dệt lụa, the ở Bưởi; trồng thuốc Nam ở Đại Yên; đúc đồng ở Ngũ Xã….
Hồ Tây từ lâu đã khiến bao người phải si mê bởi vẻ đẹp cỏ cây, hoa lá; bởi sắc nước mây trời sóng sánh. Biết bao giai thoại, trầm tích “phủ bóng” lên nó khiến mảnh đất này trở thành vùng đất biểu tượng không thể không nhắc đến tại Hà Nội.
Đến hiện tại, vùng đất của sự phát triển vượt bậc
Đến nay, xuôi theo dòng chảy của dòng sông Hồng, mang theo cội nguồn lịch sử – văn hóa dân tộc Việt, quận Tây Hồ được đặt theo tên của Hồ Tây và dần trở thành nơi sở hữu những tiềm năng phát triển vượt bậc.
Không khó hiểu khi đất Tây Hồ được chính quyền Hà Nội quy hoạch trở thành một trong 2 khu hành chính mới đặt trụ sở cho 13 đại sứ quán, di dời 5 bộ ngành, 8 sở ngành bao gồm: Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây Dựng cùng hàng chục văn phòng của các tổ chức quốc tế và các trung tâm giải trí – trụ sở văn phòng lớn của Lotte, Samsung, Daewoo…
Tiếp nối sự phát triển
Sở hữu vị trí huyết mạch của Thủ đô và những lợi thế cảnh quan tự nhiên, Hồ Tây đã sớm trở thành sự lựa chọn hàng đầu của những người thành đạt, là nơi các khu đô thị dành cho giới nhà giàu dần hình thành. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng tài sản nơi đây cũng là yếu tố hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên không phải khu vực ven sông hồ nào cũng có quỹ đất rộng lớn để triển khai nhiều dự án, đó là chưa kể đến những ràng buộc về quy hoạch được đặt lên hàng đầu.
Bởi vậy, sống gần hồ Tây vẫn là một trong những mong ước của nhiều người Hà thành, bởi những lợi thế cảnh quan và địa thế hiếm có của vùng đất đáng sống này.